Lễ hội sẽ kéo dài từ hôm nay, ngày 19 tháng giêng cho đến hết ngày 22 tháng giêng âm lịch. Phần quan trọng nhất của lễ hội là tập tục rước kiệu từ đền Cờn trong ra đền Cờn ngoài, tế lễ tạ ơn trời đất, thần biển rồi lại rước kiệu quay về.
Linh thiêng xứ Nghệ: “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.
“Đồn rằng Đức thánh Nghệ An
Quỳnh Lưu bốn tổng đền Cờn vui hơn.”
Câu chuyện này tôi xin gởi tặng những người con của làng
Quỳnh Phương, đặc biệt là người Quỳnh Phương xa quê đọc chơi khi rảnh rỗi để nhớ về quê hương với những tập quán đặc sắc của mình.
Mộc Thần và sự tích chạy Ói Lễ Hội Đền Cờn
***
Chuyện này đã rất xa xưa.
Tảng sáng, cố Thường với mấy người con thức dậy gánh lưới ra ngoài bãi. Trời chưa nhìn tỏ mặt người, trong làng, gà đã bắt đầu gáy te te. Từ làng ra bãi phải băng qua một cánh đồng, đường ra bãi đầy cát lún, hai bên là những bụi dứa gai cao hút tầm người.
Cố Thường đi trước, mấy người con gánh lưới và đồ đạc lỉnh kỉnh theo sau. Họ là những chàng trai làng biển khỏe mạnh, tầm thước, bước đi nhanh, dứt khoát, nhưng đôi lúc cũng bị khiễng lệch nhịp vì cát lún bàn chân. Khi gần tới cái bè mảng của mình dựng nghiêng trên bãi cát, bỗng cố Thường kêu ối lên một tiếng rồi ngã sụp xuống. Mấy người con nghe tiếng kêu của cố Thường, bỏ gánh lưới xuống, chạy lại để đỡ cha thì cũng bị vấp ngã. Mấy cha con ôm nhau lồm cồm bò dậy, lại gần nhìn cho rõ mình vừa vấp phải cái gì. Thì ra đó là một khúc gỗ. Khúc gỗ đen tròn, dài bằng chiều cao của một người lớn, đường kính hơn một vòng tay ôm. Nhưng mà nó rất nặng, cả mấy cha con cố Thường vần đẩy mãi mới dịch chuyển đi được một đoạn từ dưới chỗ cát ướt lên chỗ cát khô. Đẩy xong, cố Thường lẩm bẩm chửi:
- Mẹ cha mi, mới sáng sớm mà đã ngáng chân ông.
Cả buổi sáng hôm ấy, những mẻ lưới của cha con cố Thường chẳng kéo được con cá nào ngoài rác, rong biển và mấy con câm cấm dính vào.
Sẵn dịp bực tức, khi gánh lưới về ngang qua khúc gỗ đã làm mình vấp ngã lúc tinh mơ, cố Thường lấy con dao chém mạnh vào khúc gỗ và mắng:
- Mẹ cha mi, vì mi mà ông đây xui xẻo.
Nói xong, khi rút dao lên thì có một dòng nước tứa ra theo vết dao chém và đỏ thẫm như máu. Tuy lạ, nhưng cố Thường tự giải thích đó là do nước biển thấm vào cây gỗ lâu ngày nên thành ra như thế, rồi tiếp tục cùng mấy người con gánh lưới về nhà. Một ngày đi biển mệt nhọc và khó khăn.
Tối ấy, cố Thường sốt cao, lên cơn co giật. Có lúc sùi cả bọt mép trông rất đáng sợ. Mấy đứa con của cố chạy đi tìm thầy lang suốt đêm. Cố Thường nằm liệt mấy ngày liền, ở cái làng Kẻ Càn này, nhà cố cũng thuộc hàng vai vế nên người vô ra thăm hỏi cũng nhiều. Cố Thường vốn là người khỏe mạnh, ít ốm đau, chẳng hiểu sao đợt này lại bị trọng bệnh như vậy. Rồi người làng xì xào bán tán chuyện cố Thường chém vào cây gỗ có máu. Có người bảo cây gỗ có ma. Một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế khắp làng xì xầm chuyện khúc gỗ ma. Người yếu bóng vía, không dám đi ra bãi, người mạnh hơn thì cũng chỉ dám len lét đứng nhìn từ xa. Khi trẻ con hư khóc, chỉ cần dọa khúc gỗ ma là nó nín bặt ngay.
Chờ cho cố Thường khỏe hẳn, các cố Nhàn, cố Sửu là những người lớn tuổi và có uy tín trong làng tìm đến để bàn chuyện về khúc gỗ lạ.
Cố Sửu lên tiếng trước:
- Từ khi có khúc gỗ lạ trôi dạt vào làng ta, ngoài việc cố Thường bị ốm một trận thập tử nhất sinh, trẻ con trong làng cũng hay khóc quấy, người làng cũng có nhiều dị đoan thật không hay lắm.
Cố Nhàn tiếp lời:
- Hay là ta tẩm dầu và đốt nó đi cho xong chuyện .
Cố Thường suy nghĩ một lúc rồi gạt tay mà nói:
- Nó trôi vào từ biển, thì ta đẩy trả lại cho biển.
Các cố thống nhất với nhau sẽ đẩy khúc gỗ ra biển trở lại, hẹn ngày giờ tốt, làm lễ cúng thổ thần, thần biển rồi cùng lựa chọn các tráng đinh khỏe mạnh trong làng thực hiện việc ấy.
Khúc gỗ bị dân làng Kẻ Càn đẩy đi, một thời gian sau lại trôi vào bờ biển làng Phú Lương, cách làng Kẻ Càn khoảng chừng mấy dặm. Dân làng Phú Lương biết chuyện dị đoan bên làng Kẻ Càn bèn bàn nhau đẩy khúc gỗ ấy đi. Nhưng trong làng Phú Lương có người cản lại. Đó là cố Ất. Cố Ất là thầy cúng và có uy tín nhất làng Phú Lương. Cố Ất nói với dân làng:
- Đây là Mộc Thần mà thần biển ban cho làng ta. Trai làng ta phải mau mau khiêng về, ngày đêm hương khói thờ cúng.
Dân làng Phú Lương theo lời, chọn ra một chục tráng đinh khỏe mạnh, tắm rửa sạch sẽ, đợi giờ tốt rồi thỉnh Mộc Thần về thờ ở đền Quy Lĩnh nằm ngay dưới chân hòn núi Ói của làng Phú Lương.
Kể từ đó, dân Phú Lương khấm khá hẳn lên. Người đánh cá trong lộng ngoài khơi đều được cả. Dân làm nông thì mùa màng tươi tốt, con nít thì ít ốm đau. Người trong làng sống vui vẻ chan hòa.
Ngược lại, kể từ khi đẩy khúc gỗ đi, dân làng Kẻ Càn làm ăn ngày càng thất bát, mùa màng đói kém, trẻ con hay bệnh tật, quấy khóc.
Cố Thường, cố Nhàn, cố Sửu và các cố cao niên trong làng tụ họp với nhau ở sân đình, nơi có cái giếng Ông lúc nào cũng đầy nước trong veo. Cố Thường nói:
- Mộc Thần đáng lẽ là của làng ta. Trời đã cho làng ta nên mới để Mộc Thần trôi vào bãi làng ta trước. Nhưng vì một lúc nóng giận, không hiểu được chuyện thiên cơ nên làng ta mới phạm phải tội mà đẩy đuổi Ngài đi. Nay chúng ta phải nghĩ cách để đưa Ngài trở lại.
Cố Sửu nói:
- Đúng vậy, nhất định ta phải tìm cách để đưa Ngài về.
Cố Nhàn góp lời:
- Đưa Ngài về là việc phải làm. Nhưng phải bàn mưu tính kế cho chu đáo. Thằng cả nhà tôi nó nói rằng, dân Phú Lương ngày đêm đều cắt cử tráng đinh canh giữ đền Quy Lĩnh và Mộc Thần.
Cố Thường bóp trán suy nghĩ một hồi, chợt vui vẻ kêu lên:
- Đúng rồi, anh cả Nhàn đâu rồi, kêu vào đây tôi bảo.
Anh cả Nhàn là con trai cả của cố Nhàn, có vợ là ả Sen người làng Phú Lương.
Các cố làng Kẻ Càn hí húi họp bàn với nhau mấy ngày liền. Thế rồi kế hoạch cũng được thông qua, những ai có liên quan đều được yêu cầu giữ bí mật, mẹo mực đã được sắp đặt xong.
Hôm đấy, cả Nhàn và vợ là ả Sen về bên Phú Lương đi ăn đám giỗ. Giỗ làng to lắm. Đến chập tối, khi đám giỗ đã tan, ai về nhà nấy, biết cậu em vợ là Tuất đêm nay phải đến phiên canh giữ Mộc Thần, cả Nhàn lấy cớ lâu ngày mới có dịp gặp nhau, xin được cùng ra canh Mộc Thần với Tuất, hai anh em mang theo chai riệu và một ít đồ nhắm hàn huyên. Sẵn có tí hơi men trong người, Tuất hào hứng đồng ý ngay.
Cũng đêm ấy, làng Kẻ Càn đã tuyển ra gần một trăm tráng đinh khỏe mạnh, vạm vỡ. Dưới sự chỉ huy của cố Thường, cố Nhàn, các tráng đinh mang theo đòn khiêng, đuốc, dây thừng chão đi về phía hòn Ói làng Phú Lương. Cả đoàn người lặng lẽ trong bóng tối, đuốc chưa được thắp, họ men theo cánh rừng phi lao rậm rì mà đi, phía dưới là những con sóng chập chờn ánh lân tinh.
Gần nửa đêm, đoàn tráng đinh Kẻ Càn đã áp sát chân hòn Ói, nơi có ngôi đền Quy Lĩnh thờ Mộc Thần. Nghe thấy ám hiệu, cả Nhàn ra mở cửa đền để đoàn tráng đinh làng Kẻ Càn tiến vào. Cố Thường thắp nhang làm lễ, xin keo ba lần đều được nên lập tức cho người vào khiêng Mộc Thần đi.
Ả Sen ở nhà chờ mãi, tới khuya mà vẫn chưa thấy chồng về nên thắp đuốc đi tìm. Ra đến đền Quy Lĩnh thì không thấy chồng mình đâu, chỉ thấy Tuất say mèm đang nằm ngủ li bì. Ả Sen lay mãi, hỏi:
- Anh rể cậu đâu rồi?
Tuất dụi mắt ậm ừ, như chợt sực nhớ ra điều gì, Tuất lao thẳng vào trong gian thờ. Lúc này thì anh ta đã biết, vật quý của làng, Mộc Thần đã bị người ta đánh cắp. Tuất liền lập tức chạy về báo cố Ất. Làng Phú Lương khua chiêng, trống, mõ báo động vang trời. Mãi một hồi sau mới có mấy tráng đinh cầm đuốc chạy tới, anh nào cũng thở ra nồng mùi rượu. Cố Ất đếm đi đếm lại được hơn hai mươi tráng đinh, liền phái mười lăm người men theo đường biển chạy cấp tốc về hướng làng Kẻ Càn, số còn lại chạy ngược về phía làng Kẻ Thơi. Cố Ất ở lại tiếp tục khua chiêng trống để tụ tập thêm tráng đinh.
Lại nói về đoàn tráng đinh của làng Kẻ Càn, sau khi khiêng được Mộc Thần ra khỏi đền Quy Lĩnh, cố Thường cho tráng đinh thay nhau khiêng gấp về làng. Đoàn người vẫn phải giữ im lặng, chưa được thắp đuốc. Đồng thời, cố Thường cho năm tráng đinh chạy nhanh nhất, ôm một chục bó đuốc chạy ngược về phía làng Kẻ Thơi khoảng nửa dặm, đến nơi mới được thắp đuốc, sau đó cắm đuốc cháy xuống đất và lập tức chạy ngược trở lại để bám kịp theo đoàn.
Tuy đòn nghi binh của cố Thường không qua mắt được cố Ất, nhưng cũng khiến cố Ất phân vân và phải chia cắt một lực lượng tráng đinh chạy về phía Kẻ Thơi, nơi có ánh đuốc đang cháy sáng.
Khi đoàn tráng đinh của làng Kẻ Càn chạy gần tới làng Kẻ Xóm thì cố Thường mới cho đốt đuốc mà đi. Làng Kẻ Xóm ở giữa làng Kẻ Càn và làng Phú Lương. Ngăn cách làng Kẻ Xóm với làng Kẻ Càn là một khe nước có tên là Khe Lở. Khe này khi nước rặc thì đi bộ qua được, nhưng khi nước lên thì có chỗ ngập quá đầu người, nước chảy mạnh. Bỗng cố Nhàn hét lớn:
- Mau, mọi người chạy mau lên, dân Phú Lương đang đuổi theo.
Mọi người thất kinh nhìn cả lại thì phía sau cách một đoạn là ánh đuốc sáng loáng của tráng đinh làng Phú Lương. Cố Thường ra lệnh dập tắt hết đuốc, mọi người tập trung thay nhau khiêng mộc thần chạy. Chạy được đến Khe Lở thì cả đoàn phải dừng lại, vì nước lúc này đã dâng lên cao. Với lại Mộc Thần rất nặng nên không thể khiêng bơi qua được. Cố Thường tỏ ra rất sốt sắng. Đáng lẽ ra khi nhìn thấy ánh đuốc thì cố Sửu phải kéo bè mảng lại tiếp ứng. Mẹo mực đã vạch ra như thế, sao giờ vẫn chưa thấy cố Sửu đâu? Phía sau, ánh đuốc và tiếng hò reo của tráng đinh Phú Lương mỗi lúc mỗi gần.
Cố Thường thắp một bó nhang đứng trước Mộc Thần lầm rầm khấn vái, sau đó quay qua hỏi nhanh bọn tráng đinh:
- Trai làng ta ai muốn bỏ Mộc Thần ở lại để bơi về?
Bọn tráng đinh nói lớn:
- Không, chúng tôi muốn đưa Mộc Thần cùng về.
Vừa dứt lời, tráng đinh Phú Lương đã sáp tới, hai bên quần thảo, vật lộn với nhau. Nhưng vì lực lượng của làng Phú Lương so với làng Kẻ Càn lúc này chênh lệch nhau quá lớn, nên họ chịu thua và quay đầu bỏ chạy. Tráng đinh Phú Lương chạy được một quãng thì gặp cố Ất dẫn quân tiếp viện tới, cả bọn nhập lại tiếp tục khua chiêng trống tạo thanh thế kéo về phía làng Kẻ Càn.
Lại nói về đoàn tráng đinh Kẻ Càn, sau khi đuổi được mấy tráng đinh Phú Lương đi, thì lập tức thấy ánh đuốc sáng rực từ phía biển đang hướng nhanh vào bờ. Đó là nhóm chục chiếc bè mảng do cố Sửu lãnh trách nhiệm chỉ huy. Các tráng đinh nhanh chóng chuyển Mộc Thần lên bè, rồi chống bè vượt qua Khe Lở, men theo đường biển tiến về làng.
Lên bè rồi, cố Thường mới hỏi cố Sửu sao lại chậm trễ như vậy, suýt làm hỏng mất việc lớn. Cố Sửu thuật lại:
- Chúng tôi vừa đẩy bè ra khỏi bờ thì gặp ngay cơn gió mạnh đẩy ngược chúng tôi trở lại. Cứ ba bốn lần như thế. Tôi cho là Mộc Thần muốn thử quyết tâm của người làng ta, nên tôi động viên tráng đinh tiếp tục đẩy bè ra, không bỏ cuộc, sau quả nhiên được.
Khi cố Ất kéo tráng đinh Phú Lương đến Khe Lở thì đoàn Kẻ Càn đã kịp dời đi. Nhìn về phía làng Kẻ Càn ánh đuốc sáng rực cả một góc trời. Cố Ất ngửa mặt mà khóc, hai mắt lệ chứa chan.
Đêm ấy làng Kẻ Càn hân hoan không ngủ. Mộc Thần được dân Kẻ Càn thỉnh vào thờ ở ngôi đền Cờn nằm trên đỉnh đầu rú Thằn Lằn hay còn gọi là núi Hùng Vương, quanh năm hương khói, xuân thu nhị kỳ hai lần cúng tế. Cũng kể từ đó, cuộc sống của dân làng tươi tốt hẳn lên.
Sau này, nghe nói các cố của làng Phú Lương và làng Kẻ Càn đã giảng hòa với nhau, cùng lập hương ước coi Mộc Thần là báu vật chung của cả vùng bãi ngang, cùng có trách nhiệm cúng tế. Nhưng Mộc Thần thì vẫn được giữ lại nơi làng Kẻ Càn.
***
Qua bao phong ba của thời gian, vật đổi sao dời, Mộc Thần giờ chỉ còn lại trong ký ức của người dân nơi đây. Nhưng hàng năm, vào ngày 15 đến ngày 21 tháng Giêng âm lịch, Nhân dân Kẻ Càn, nay là phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An vẫn còn tổ chức lễ hội đền Cờn với tập tục rước kiệu chạy Ói để tưởng nhớ chuyện xưa.
(Mai An - Trần Hoàng Hà - 2018).
Chú thích:
Kẻ Càn nay là phường Quỳnh Phương.
Kẻ Xóm nay là xã Quỳnh Liên.
Phú Lương nay là xã Quỳnh Lương.
Kẻ Thơi nay là vùng Sơn Hải.
Tên Khe Lở vẫn còn nhưng không còn nước chảy như xưa nữa.
Các nhân vật hoàn toàn hư cấu.
Đàn ông lớn tuổi ở miền biển Nghệ An xưa thường được gọi bằng cố.